Cuộc “chạy đua” miễn thuế để thúc đẩy du lịch

VHO- Để phục hồi kinh tế, nhiều quốc gia đang thực hiện những chính sách mua sắm miễn thuế để “tiếp sức” cho ngành du lịch và đã mang lại lợi nhuận không nhỏ.

Cuộc “chạy đua” miễn thuế để thúc đẩy du lịch - Anh 1

 Nhật Bản lắp máy bán hàng miễn thuế tự động tại sân bay để du khách không phải xếp hàng chờ đợi tại cửa hàng để nhận tiền hoàn thuế Ảnh: U TRAVEL

Đầu tiên phải kể đến Nhật Bản, đầu năm 2023, lần đầu tiên sau 6 năm, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua một kế hoạch mới về du lịch, nhấn mạnh vào mục tiêu thúc đẩy chi tiêu của khách du lịch nước ngoài. Nước này muốn tăng chi tiêu trung bình của mỗi du khách nước ngoài đến Nhật Bản lên 200.000 Yen (khoảng 1.550 USD) vào năm 2025, cao hơn 40.000 Yen so với kế hoạch trước đó. Để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản sẽ kích cầu mua sắm của khách du lịch tại các cửa hàng miễn thuế thông qua việc mở rộng các dịch vụ và tiện ích tại đây.

Trang Time Out cho biết, mua sắm miễn thuế của Nhật Bản là một trong những hệ thống mua sắm miễn thuế tốt nhất và thuận tiện nhất trên thế giới. Thông thường, tại hầu hết các nước, khách du lịch mua hàng phải thanh toán toàn bộ số tiền mua hàng bao gồm thuế tại các cửa hàng, sau đó xuất trình giao dịch mua hàng tại sân bay để được hoàn thuế trước khi khởi hành. Nhưng ở Nhật Bản, quy trình này dễ dàng hơn rất nhiều, nơi thuế tiêu thụ 10% được khấu trừ ngay tại các cửa hàng với điều kiện khách mua hàng xuất trình hộ chiếu.

Ở Hàn Quốc, quy mô của thị trường hàng miễn thuế đạt hơn 17 tỉ USD. Trung Quốc đạt 6 tỉ USD vào thời điểm trước đại dịch. Tại Singapore, tuy không có số liệu cụ thể, song chỉ riêng sân bay Changi, nơi được xem là thiên đường mua sắm, doanh thu năm vừa qua với hàng miễn thuế trong sân bay đạt 1,5 tỉ USD và nằm trong tốp 3 sân bay có mức chi tiêu của khách du lịch lớn nhất.

Thậm chí mới đây, một công ty khởi nghiệp du lịch tại Singapore có tên Utu, chuyên giúp khách du lịch trải nghiệm tối đa hóa từ việc mua sắm miễn thuế vừa huy động thành công 33 triệu USD. Công ty này đã hợp tác với các nhà điều hành hoàn tiền trên 50 quốc gia, mang lại nhiều phần thưởng hơn cho khách du lịch. Đại diện công ty khởi nghiệp Utu cho biết, mặc dù du lịch đã tăng trở lại, nhưng chỉ có khoảng 1% vốn đầu tư mạo hiểm dành cho du lịch trong suốt 15 năm qua, chủ yếu là các ngành dịch vụ khách sạn. Chính vì vậy, mục tiêu của Utu là tạo ra sự đổi mới trong lĩnh vực mua sắm miễn thuế, cho phép khách du lịch hoàn thuế VAT khi mua hàng.

Báo cáo của Planet cho thấy, vào tháng 6, doanh số bán hàng miễn thuế ở châu Âu đã tăng 18% so với tháng trước - tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Pháp dẫn đầu với mức tăng 22,3%. Báo cáo dự đoán “việc phục hồi hoàn toàn doanh số bán hàng miễn thuế trên khắp châu Âu vào mùa hè này hiện đang trong tầm tay”.

Với châu Âu, khách du lịch Mỹ và châu Á đang dẫn đầu sự tăng trưởng. Tại Pháp, khách du lịch từ Mỹ đã thúc đẩy mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, chiếm 27% tổng doanh số bán lẻ trong nước, tiếp theo là Trung Quốc với 14%, Hàn Quốc với 5% và Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc) với 4%. Tương tự, tại Italia người tiêu dùng Mỹ dẫn đầu chi tiêu trên thị trường, chiếm 33%.

Báo cáo dự đoán rằng, nhu cầu đi lại từ các công dân Mỹ và Canada sẽ vượt qua mức trước đại dịch trong năm nay lần lượt là 11% và 4%, do số liệu bán vé cho các chuyến bay quốc tế cho thấy sự gia tăng trong du lịch châu Âu. Nhưng bất chấp sự gia tăng số lượng người mua sắm ở Mỹ, khách du lịch châu Á vẫn tiếp tục thống trị thị trường, chiếm 36% tổng doanh số bán hàng miễn thuế ở châu Âu. Họ cũng là những người chi tiêu cao nhất với giá trị giao dịch trung bình đối với người tiêu dùng châu Á là 1.046 Euro, tăng lên 1.341 Euro đối với người mua sắm Trung Quốc, người tiêu dùng Bắc Mỹ chi trung bình 978 Euro. 

 THÁI AN

 

Ý kiến bạn đọc